Câu hỏi thường gặp

1. Các khái niệm cơ bản:

1. Sự kiện bảo hiểm là gì?

Là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

2. Rủi ro được bảo hiểm là gì? 

Là những rủi ro về thiên tai, tai nạn, sự cố bất ngờ được doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm trên cơ sở yêu cầu của người được bảo hiểm.

3. Rủi ro bị loại trừ là gì?

Là những rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận bảo hiểm, không chấp nhận bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

4. Rủi ro có thể được bảo hiểm phải hội tụ đầy đủ các đặc tính nào?

  1. Tổn thất phải mang tính chất ngẫu nhiên
  2. Tổn thất phải đo được, định lượng được về tài chính
  3. Không trái với chuẩn mực đạo đức của xã hội.

5. Điều khoản bổ sung là gì?

Ngoài phạm vi bảo hiểm theo đơn tiêu chuẩn, người được bảo hiểm có thể thỏa thuận với người bảo hiểm mở rộng các điều kiện, điều khoản bảo hiểm với điều kiện người được bảo hiểm phải trả thêm phí bảo hiểm cho người bảo hiểm.

6. Bảo hiểm trùng là gì?

Bảo hiểm trùng là khi:

  1. Đối tượng được bảo hiểm được bảo vệ bằng ít nhất 2 hợp đồng bảo hiểm
  2. Rủi ro gây nên tổn thất đều thuộc rủi ro được bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm cho đối tượng đó
  3. Tổn thất xảy ra khi các hợp đồng bảo hiểm cho đối tượng đó còn hiệu lực.

7. Đồng bảo hiểm là gì?

Đồng bảo hiểm là khi:

  1. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm theo cùng điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm … trong hợp đồng bảo hiểm
  2. Các doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc cùng chia sẻ quyền lợi (phí bảo hiểm) và trách nhiệm (bồi thường, chi phí) theo tỷ lệ
  3. Thông thường các doanh nghiệp ủy quyền cho 1 doanh nghiệp bảo hiểm làm đầu mối thương thảo hợp đồng bảo hiểm, giải quyết tổn thất.

2. Hợp đồng bảo hiểm:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp nào?

  1. Khi có sự thay đổi làm tăng các rủi ro được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm tính tăng phí cho thời gian còn lại của hợp đồng nhưng bên mua không chấp nhận.
  2. Bên mua bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm trong thời hạn mà doanh nghiệp bảo hiểm đã ấn định để bên mua thực hiện.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ gì?

  1. Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm
  2. Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm
  3. Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
  4. Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường
  5. Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thườngvề những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

3. Bên mua bảo hiểm có quyền gì?

  1. Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm
  2. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm và hoặc đơn bảo hiểm
  3. Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm
  4. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
  5. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

4. Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ gì?

  1. Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
  2. Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
  3. Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
  4. Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
  5. Áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất.

5. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp nào?

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp:

  1. Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm
  2. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại
  3. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra
  4. Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

6. Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp nào?

Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp:

  1. Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm
  2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong trường hợp bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
  3. Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

7. Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.

8. Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm trong vòng bao lâu?

Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.

9. Trong trường hợp người được bảo hiểm chứng minh được rằng họ không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Trong trường hợp này, thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày người được bảo hiểm biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.

10. Trong trường hợp người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày người thứ ba yêu cầu đối với trường hợp này.

11. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm là bao lâu?

3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.

12. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm kể từ lúc nào?

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là một trong các trường hợp sau:

  1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm
  2. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm
  3. Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí BH.

13. Trách nhiệm bảo hiểm chưa phát sinh trong trường hợp nào?

Khi Hợp đồng bảo hiểm được ký kết nhưng Bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm cho Doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận.

14. Trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền gì?

Ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm.

15. Trường hợp trong hợp đồng bảo hiểm quy định phí bảo hiểm được đóng làm 4 kỳ, bên mua bảo hiểm mới đóng được 2 kỳ và không thể đóng phí cho 2 kỳ tiếp theo, nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác thì thế nào?

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm; bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng.

3. Bảo hiểm Xe Cơ Giới:

1. Bảo hiểm mô tô – xe máy gồm các nghiệp vụ nào?

Bảo hiểm mô tô – xe máy gồm các nghiệp vụ sau:

  1. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba
  2. Bảo hiểm tai nạn người ngồi trên mô tô – xe máy.

2. Bảo hiểm ô tô gồm các nghiệp vụ nào?

Bảo hiểm ô tô gồm các nghiệp vụ sau:

  1. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba về người và tài sản
  2. Bảo hiểm TNDS tự nguyện của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba về người và tài sản
  3. Bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe và người ngồi trên xe
  4. Bảo hiểm tai nạn hành khách trên xe
  5. Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe
  6. Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với hàng hóa chở trên xe.

3. Hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ bị hủy khi nào?

Hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ bị hủy khi:

  1. Xe cơ giới bị thu hồi đăng ký và biển số theo qui định của pháp luật;
  2. Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật;
  3. Xe cơ giới bị mất được cơ quan công an xác nhận.

4. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm đối với xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại trong trường hợp nào?

Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

  1. Không có Giấy phép lái xe (GPLX) hợp lệ hoặc GPLX không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX;
  2. Có GPLX nhưng bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn;
  3. Thiệt hại đối với tài sản bên thứ ba bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn;
  4. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại;
  5. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới;
  6. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại;
  7. Chiến tranh, khủng bố, động đất;
  8. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

5. Bên thứ ba không phải là ai?

Cán bộ, nhân viên được chuyên chở trên xe của tổ chức, công ty; Người làm thuê để lái xe và phụ xe trên chính chiếc xe đó; Hành khách được chở trên xe.

6. Hành khách trên xe là ai?

Là người được chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển.

4. Bảo hiểm Con Người:

1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là gì?

Là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người.

2. Thương tật toàn bộ vĩnh viễn là gì?

Khi người được bảo hiểm bị mất hoặc liệt hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của 2 trong các bộ phận trên cơ thể: tay, mắt, chân.

3.  Phạm vi bảo hiểm đối với nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn hành khách đi lại trong nước bao gồm những gì?

Bao gồm tai nạn xảy ra khi hành khách đang ở trên xe và/hoặc đang lên, xuống xe.

4. Phạm vi của bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện là gì?

 Phạm vi của bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện gồm:

  1. Chi phí khám bệnh, xét nghiệm, siêu âm, chụp phim … để chẩn đoán định kỳ và bất thường; dịch vụ tư vấn hỗ trợ, hỗ trợ khẩn cấp ở trong nước và quốc tế
  2. Chi phí cấp cứu, điều trị, phẫu thuật, nằm viện, thuốc men, các thiết bị y tế hỗ trợ…trong trường hợp ốm đau, bệnh tật; điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe
  3. Điều trị ngoại trú do ốm đau, bệnh tật; chi phí y tế do tai nạn; tử vong, tàn tật do ốm đau, bệnh tật; tử vong, thương tật vĩnh viễn do tai nạn; vận chuyển y tế cấp cứu; khám thai sản và nha khoa; trợ cấp mất, giảm thu nhập.

5. Phạm vi của bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật là gì?

Phạm vi của bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật là:

  1. Ốm đau, bệnh tật, thương tật, thai sản phải nằm viện hoặc phẫu thuật
  2. Chết trong quá trình nằm viện, phẫu thuật.

6. Nếu bên mua bảo hiểm cung cấp sai tuổi (không cố ý) của người được bảo hiểm làm giảm phí bảo hiểm phải đóng, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì?

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm bổ sung tương ứng với số tiền bảo hiểm hoặc giảm số tiền bảo hiểm tương ứng với số phí đã đóng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

7. Nếu một trong số những người thụ hưởng cố ý hãm hại người được bảo hiểm chết trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực thì doanh nghiệp có phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng không?

Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

8. Nếu người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc ốm đau trong phạm vi bảo hiểm mà lỗi do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra thì có được hưởng tiền bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm không?

Người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng sẽ nhận được số tiền bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm và số tiền bồi thường từ người thứ ba.

5. Bảo hiểm Tài Sản:

1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là gì?

Là vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.

2. Nếu bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm tài sản trên giá trị thì sao?

Khi xảy ra tổn thất thì doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo đúng giá trị của tài sản được bảo hiểm.

3. Nếu bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm tài sản dưới giá trị thì số tiền bồi thường sẽ như thế nào khi xảy ra tổn thất?

Khi xảy ra tổn thất thì doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo tỷ lệ. Số tiền bồi thường bằng tổn thất thực tế (x) số tiền bảo hiểm/giá thị trường của tài sản được bảo hiểm.

4. Khi xảy sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất, trách nhiệm chi trả chi phí giám định thuộc về ai?

Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm chi trả chi phí giám định.

5. Khi tài sản bị thiệt hại do lỗi của người thứ ba nhưng người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền gì?

Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.

6. Mức miễn thường có khấu trừ và không khấu trừ được áp dụng như thế nào?

Trong hợp đồng bảo hiểm tài sản:

  1. Trường hợp áp dụng mức miễn thường có khấu trừ, nếu xảy ra tổn thất thì: Số tiền bồi thường bằng giá trị tổn thất trừ đi mức khấu trừ
  2. Trường hợp áp dụng mức miễn thường không khấu trừ, nếu xảy ra tổn thất:
    1. Giá trị tổn thất lớn hơn mức miễn thường thì: Số tiền bồi thường bằng giá trị tổn thất
    2. Giá trị tổn thất nhỏ hơn mức miễn thường thì: Số tiền bồi thường bằng 0.

6. Bảo hiểm Trách Nhiệm:

1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì?

Là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là gì?

Trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm phát sinh từ những lỗi, thiếu sót, bất cẩn của người được bảo hiểm hay nhân viên hay người làm công của người được bảo hiểm trong khi thực hiện các công việc chuyên môn của mình.

3. Đối tượng bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm công cộng là gì?

Là trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe của bên thứ ba khi sự kiện xảy ra trên địa bàn và từ hoạt động của người được bảo hiểm.

7. Bảo hiểm Cháy Nổ:

1. Đối tượng của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là gì?

Đối tượng của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bao gồm

  1. Nhà, công trình kiến trúc và các trang thiết bị kèm theo;
  2. Máy móc thiết bị;
  3. Các loại hàng hoá, vật tư, tài sản khác.

Những tài sản trên được bảo hiểm khi giá trị của tài sản tính được thành tiền và được ghi trong Hợp đồng bảo hiểm.